THÔNG BÁO CHUYỂN NHÀ

Châu thành thật xin lỗi các bạn vì sự gián đoạn không viết bài trong thời gian qua. Vì bận “chuyển nhà” đấy các bạn ạ. Rất mong các bạn vẫn tiếp tục yêu thích đến chơi nhà của Trần Thanh Ngọc Châu tại địa chỉ mới như sau:

About

Tuy nhiên, ngôi nhà mới này cũng cần được chỉnh sửa thêm nhiều lắm ạ. Châu sẽ dần hoàn thiện song song với quá trình hoạt động của mình. Mong cả nhà hoan hỉ ạ.

Xin chân thành cảm ơn!

Posted in Uncategorized | Comments Off on THÔNG BÁO CHUYỂN NHÀ

CÁI GIÁ CỦA “TỰ DO” (tt)

2. ĐỂ TỰ DO – CẦN CHUẨN BỊ CHU ĐÁO

Trên thực tế, cái DÁM và NĂNG LỰC để dám cho đúng cho đủ (phải tương đồng) nhiều khi lại có khoảng cách rất xa. Nói như thế không có nghĩa ta tô xám bức tranh thời cuộc, cũng không kéo lùi những hoài bão, cũng không giới hạn con người hay làm nhục chí trước khó khăn, mà chỉ bảo vệ chúng ta trước những rủi ro không đáng phải trả với một giá đắt.

Sẽ không có gì sai khi chúng ta muốn giành lấy quyền kiểm soát cuộc đời mình, khi dũng cảm “bước đi trên con đường ít người đi”, khi người khác cho rằng chúng ta điên rồ vì không hành động giống người khác và chúng ta dõng dạc trả lời: “Bởi tôi không phải là người khác”. Tôi đã từng đi trên con đường để thực hiện mong cầu và giá trị của người khác, ngột ngạt bởi sự “khống chế” của người khác và những lo âu vật chất “tầm thường”. Và tôi cũng đã thực thiện “bước rẽ ngoặc cuộc đời”. Quyết định đó không có gì phải hối tiếc, nếu tôi đi trên con đường mới một cách đúng đắn hơn, tỉnh táo hơn và có “chiến lược” hơn, cũng như nhận ra vật chất sẽ không “tầm thường” nếu được thực hiện đúng chức năng của nó là làm cho cuộc sống con người đầy đủ hơn, thoải mái hơn và có thể giúp đỡ người khác – rõ ràng, nếu được sử dụng đúng, vật chất có thể mang đến hạnh phúc theo một nghĩa nào đó.

Ngày nay chúng ta dễ dàng nghe câu nói “cửa miệng”: “Bill Gates và Steve Jobs không có bằng đại học vẫn trở thành tỉ phú” hoặc cách ngợi khen các hình tượng theo “chủ nghĩa cá nhân anh hùng” kiểu Mỹ trong việc tạo ra dòng phim hành động Holywood như: “Nếu Bill Gates tốt nghiệp Đại học Havard/Steve Jobs học đại học đã không thể có một Bill Gates/Steve Jobs lẫy lừng và truyền cảm hứng như bây giờ”… Và hệ quả cực đoan là không ít các bạn sinh viên mạnh dạn, chẳng ngần ngại bỏ học đại học khi phát hiện “môi trường đại học (VN) chán ngấy”, hoặc một vài điều “không phù hợp”. Kiến thức về “giá trị cá nhân” và kỹ năng sống ngày càng phổ biến, người ta dễ lầm tưởng hoặc “gắn mác” cho những khó khăn mà mình không muốn vượt qua là “không phù hợp”. Là một Career Coach và Transformation Coach, tôi rất ủng hộ và còn giúp người khác xác định giá trị cá nhân và sống theo các giá trị ấy; nhưng tôi thật sự hoảng sợ khi thấy con số các bạn sinh viên bỏ học, các bạn trẻ đi làm từ 3 – 7 năm “nhảy việc liên tục” NHƯNG CHƯA CÓ SỰ CHUẨN BỊ CHU ĐÁO… ngày càng tăng lên chóng mặt.

Chúng ta thấy một Huyền Chip cứ “xách ba lô lên mà đi” hoặc đâu đó một vài blogger viết rằng họ sống từ việc đi du lịch khắp nơi và viết bài; thế là chúng ta tự tin mình làm được giống họ (chúng ta từ chối chạy theo đám đông, để chạy theo hình mẫu của một vài người), chúng ta sẽ ổn và thậm chí sống tốt (giữa “tạm”, “ổn”, và “sống tốt” là khoảng cách mơ hồ, khó định lượng và khá nhiều rủi ro)… vì mình đã có kinh nghiệm đôi ba lần đi phượt cùng bạn bè, cũng có mối quan hệ kết nối với nhiều người (nhưng có thể hỗ trợ ta không, bằng cách nào, có vào lúc ta cần không thì… chưa biết) và vốn tiếng Anh đủ để giao tiếp thông thường (những trường hợp phức tạp hơn như bệnh tật hoặc nạn tai thì sao…).

Chúng ta được truyền cảm hứng bởi một người thầy dạy đàn cực giỏi nhưng trước đây hoàn toàn tự học; và chúng ta tin mình cũng sẽ làm được như vậy ở lĩnh vực… ngoại ngữ mà quên rằng thầy từ bé đã nhanh chóng thuộc bài bằng cách ngân nga các bài học với giai điệu “tự chế”, còn mình từ trước đến giờ cứ học tiếng Anh được 15 phút hai mắt đã díp lại, quên luôn Quy luật “10.000 giờ”.

Chúng ta có khuynh hướng lý tưởng hóa, và né tránh tiếp cận những thông tin về thất bại hoặc những người thất bại né tránh kể lại câu chuyện của mình. Chúng ta “quy nạp” thiếu cơ sở, không nhìn vào thực trạng khốn đốn của phần đông đi tìm TỰ DO mà không có “vốn liếng” – là những kỹ năng quý giá và hiếm hoi theo cách gọi của Cal Newport.

“Cơ hội chỉ đến với người có chuẩn bị”. Chúng ta không thể ngồi một chỗ, làm cùng một việc, với cùng một cách, với kết quả trung bình mỗi ngày… và trách số phận bất công không trao cho ta cơ hội nào để thành công, để giàu sang hoặc được vinh danh. Chúng ta cũng không thể “nhảy bổ” đi tìm “cơ hội” (kiểu ta đây chủ động, tạo nên số phận cho chính mình) khi mà đi đến đâu cũng sẽ nhận lấy cái lắc đầu tương tự hoặc mức lương như cũ và những khó chịu rồi sẽ có trong công việc chỉ là diễn ra theo cách này hoặc khác… chỉ vì chúng ta KHÔNG ĐỦ GIỎI ĐỂ TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT, trong khi các ông chủ rất dễ dàng tìm ra vô số những người như ta mà còn nhanh hơn ta nữa.

Cuộc sống ngoài kia, ngay cả khi chúng ta có được điều mình thích, vẫn đầy rẫy những điều “không phù hợp”; ta cũng đâu thể chối bỏ cuộc đời này. Và chỉ với một vài điều không phù hợp ta còn không thích nghi được thì làm sao ta có thể làm “chủ doanh nghiệp” điều hành cuộc đời mình trong biển lùng nhùng khó khăn, mắc mứu.

Bây giờ, tôi chấp nhận và trên thực tế là tôi sống được với công việc biên phiên dịch và dạy tiếng Anh của mình – “lợi thế” tôi có được do đã “đầu tư” từ thời gian đến tiền bạc để học và mua sách từ năm tôi học lớp 6 (25 năm trước); và “lăn lộn” làm việc chính, việc phụ đều liên quan đến ngoại ngữ này trong 18 năm. Tôi hiểu để thành công trong việc thiết kế một kế lối sống tự chủ, “khác thường”, trước tiên tôi cần phải xây dựng cuộc sống, sự nghiệp “đủ ổn định” để hỗ trợ cho lối sống tôi thích – tự do trong việc chia sẻ các giá trị tốt đẹp đến cộng đồng bằng coaching và viết blog/báo…

(còn tiếp)

Posted in Uncategorized | Comments Off on CÁI GIÁ CỦA “TỰ DO” (tt)

CÁI GIÁ CỦA “TỰ DO”

Trong bài viết “Không Ngừng Tìm Kiếm?” trước đây của mình, tôi đã giới thiệu một tư duy khác của hai tác giả Cal Newport và Jocelyn K.GLEI về việc theo đuổi ĐAM MÊ.

Một cách nào đó chúng ta có thể hiểu “Đam Mê” là TỰ DO. Tự do được theo đuổi ĐAM MÊ. Cũng có thể “sống một cuộc đời TỰ DO” là một đam mê để theo đuổi. Hay nói như Cal Newport trong tác phẩm Kỹ năng đi trước Đam mê là “có được QUYỀN KIỂM SOÁT hơn”, khi ông đề cập đến các “cái bẫy” của chủ nghĩa ráo riết đi tìm công việc mơ ước. Có được Quyền Kiểm Soát trong công việc là TỰ DO làm công việc của mình theo cách mình muốn, là TỰ DO quyết định đi hay ở (bởi lúc đó ông chủ đã “không thể thiếu” bạn). Có được Quyền Kiểm Soát trong cuộc sống là toàn quyền sử dụng quỹ thời gian trong đời, TỰ DO làm tất cả những gì mình thích, không chịu áp lực nào từ “tài chính” hay mong cầu của người khác… Rõ ràng, TỰ DO có một ma lực khiến chúng ta khó cưỡng.

  1. TỰ DO CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI?

Trước tiên, phải khẳng định rằng khao khát tự do là một tâm lý hoàn toàn dễ hiểu. Trong thời đại ngày nay, tự do trở thành một xu hướng, là một trong những giá trị cá nhân cao nhất của nhiều người, thậm chí còn là một chủ nghĩa… Thuật ngữ “Freelancer” xuất hiện trong vài thập niên gần đây, nhưng cơn vũ bão trên cả cấp 12 này đã “càn quét” với tốc độ 42.200.000 kết quả trong 0,53 giây trên trang tìm kiếm Google. Không khó khăn để “earning through freelancer” khi mà có đến 913.000 kết quả trong 0,51 giây; ngay cả khi khái niệm công việc tự do này sinh sau đẻ muộn tại Việt Nam và với ngôn ngữ chưa mang tính quốc tế như tiếng Việt, chúng ta cũng đã có thể tìm thấy 39.800 kết quả “kiếm tiền với freelancer” trong vòng chưa đến một cái chớp mắt (0,48 giây). Tất cả các số liệu này tôi vừa có được khi thực hiện tìm kiếm trong sáng nay (24/02/2016). Thú vị là tư tưởng lớn lại thường gặp nhau – tất cả các trang web về freelancer đều có được cho mình slogan hiệu quả, ấn tượng và đầy cảm hứng, đại loại kiểu: FREELANCER – TỰ DO VÀ NHIỀU CƠ HỘI. Thật là một bức tranh đầy sắc màu và thật tươi sáng – một bức tranh tuyệt vời!

Tôi là một con chiên ngoan đạo của trường phái tôn sùng TỰ DO, và đã từng dành khá nhiều thời gian để “sục sạo”, để ngụp lặn trong biển trời mênh mông ấy với khát khao tự do, cảm hứng và sung túc… với tiêu chí NHANH, DỄ DÀNG (để còn làm việc khác: như chăm con; và cách này cực kỳ “tác động” đến các bà mẹ bỉm sữa kiểu như tôi). Nội dung các trang web đã “vô tình hằn” trong tôi “nếp gấp” tư duy ấy, làm lu mờ tư duy biện chứng: “cái gì cũng có cái giá của nó” và mọi thứ đều phải có quá trình.

May mắn là công việc cho tôi cơ hội được làm việc với nhiều người, nhất là các bạn trẻ và cơ hội để tâm quan sát xu thế phát triển trong một xã hội năng động, hiện đại. Tôi nhận thấy rằng, các bạn trẻ ngày nay có lý tưởng (dĩ nhiên, khái niệm “lý tưởng” cũng phải được cập nhật cho phù hợp với không gian và thời gian; nên cái cách chúng ta vẫn thường chép miệng than vãn: “Tụi nhỏ bây giờ không có lý tưởng gì hết!” sẽ không hoàn toàn chính xác). Ngày nay có một thế hệ dám táo bạo (Cal Newport gọi là “văn hóa lòng can đảm”), dám “khẳng định”: “TÔI làm được, TÔI có tinh thần và khả năng tự chịu trách nhiệm!” Chính chúng ta cũng mong muốn và nỗ lực làm nhiều điều (dần dần có hệ thống) để “trồng”, để tạo ra được một thế hệ dám nghĩ dám làm như vậy.

(còn tiếp)

Posted in Uncategorized | Comments Off on CÁI GIÁ CỦA “TỰ DO”

DUYÊN LÀNH TỪ NHỮNG NGƯỜI CẦN MẪN GIEO DUYÊN (tt)

(tiếp theo)

Một chương trình với các phiên làm việc sinh động và hiệu quả, tài liệu in ấn đẹp mắt, thức ăn nhẹ và nước uống đầy đủ cho 100 người tham dự đã được tổ chức như thế với chi phí tham gia cho mỗi thành viên là… KHÔNG (zero) đồng.

Nhân duyên từ những trăn trở của cô Tú dành cho sinh viên của mình qua những tâm sự của các bạn. Ngoài việc “chữa lành những đổ vỡ, rách nát, thương tổn”, cô còn muốn thổi bùng ngọn lửa đam mê cho những ai lựa chọn con đường khó đi – Tâm lý học, ngành Tham vấn trị liệu, để các bạn lại có thể trao yêu thương, có thể hàn gắn và “chia lửa” cho người khác. Một người “ngoại đạo” (không phải là sinh viên Khoa Tâm lý) như tôi vẫn có thể nhận được những kiến thức hữu ích, có thể “mang về” những giá trị,  thông điệp nhân văn, sâu sắc về sẻ chia và vì tha nhân… Các bạn sinh viên cũng một lòng giúp đỡ, “đồng hành” cùng cô Tú và cô Thúy để có thể tạo ra một “sân chơi” – một “vườn hội ngộ” không chỉ vì nghề mà còn để vun trồng những hạt giống tươi xanh. Có lẽ vì thế nguồn năng lượng tích cực, đầy nhiệt huyết của những con người cần mẫn “gieo duyên” đó đã được những ai hữu tâm hữu ái thấu cảm và hỗ trợ. Toàn bộ cơ sở vật chất và không gian tĩnh lặng, đẹp như tình người của Tu đoàn Nazareth đã được Đức Cha cho các cô và các bạn toàn quyền sử dụng. Cha còn gửi đến các bạn sinh viên lời khuyên về việc thở – việc ngủ – việc ăn uống khoa học để các bạn có thể học tập hiệu quả và “KHÔNG AI CÓ THỂ BẮT NẠT ĐƯỢC” thật dí dỏm. (Tôi chợt nhớ đến câu nói “hãy giỏi đến mức không ai có thể phớt lờ bạn” của Steve Martin). Chi phí ăn uống và photo tài liệu cũng được một mạnh thường quân hỗ trợ để “làm bất cứ điều gì có ý nghĩa”. Và nhân lực để tổ chức và “phục vụ” (trước, trong và sau buổi hội thảo) cũng được chính các bạn chủ động cáng đáng không nề hà… Đâu đó, ai đó đã cháy lên ngọn lửa cho chính mình và thắp lên ngọn lửa cho người khác – những đốm lửa lung linh. Mà chất liệu chính là: NIỀM TIN –> CHẤP NHẬN VÀ BIẾT ƠN –> CÓ MỤC ĐÍCH SỐNG –> CÓ KHẢ NĂNG VƯƠN TỚI NGƯỜI KHÁC.

Tôi và bạn vẫn nghe tiếng nói nhẹ nhàng: “Thử đi em! Đừng dập tắt ngọn lửa trái tim mình. Để chia sẻ ngọn lửa cho nhau. Để chạm tới người khác… Không những đầy mà còn đẹp nữa em!”

“Nếu cào mỏng mặt nạ của mình, em sẽ làm việc, sẽ yêu sống động hơn rất nhiều. Thử đi em!”

“Vì mặt nạ có tính tương quan: Tôi đeo nó vì tôi hay vì em? Tôi cởi ra vì tôi hay vì em? … Tôi cởi mặt nạ cho chính mình và tôi bước ra ngoài… cho em!”

“Giống như hạt lúa mì rơi xuống đất, có chết đi mới ra hoa kết hạt; chúng ta có đớn đau mới có thể trưởng thành và có ích… Chúng ta – những BROKEN PIECE, chính vì đổ vỡ, qua các rách nát lại trở thành MASTERPIECE (kiệt tác)!”

Qua Sức Mạnh Của Sự Yếu Đuối, tôi và bạn không chỉ học và nhớ được mà còn biết cách để QUÊN. Không cần phải cố quá đâu, không cần phải giả vờ đâu, không đeo thêm một chiếc mặt nạ nữa đâu. Cứ can đảm, cứ chấp nhận, cứ trân trọng, cứ tin yêu, cứ sẻ chia, cứ trắc ẩn, cứ an nhiên, cứ vỗ về, cứ hãy là đứa trẻ trong tôi và bạn, đừng bỏ rơi, đừng để đâu đó đứa trẻ mồ côi tự mình bươn chải với công việc đục đá nhọc nhằn, “hãy nói lên tiếng nói của những ai không thể nói lên tiếng nói của mình!”

Gửi đến bạn và tôi một phần trong bài chia sẻ của cô Tú – 10 điều trong quyển sách “CAN ĐẢM PHI THƯỜNG” của Brené Brown:

  1. Hãy hướng lòng mình về sự thật, để không phải sống vì lời khen tiếng chê
  2. Hãy vun trồng lòng xót thương với bản thân, để đừng khắt khe đòi hỏi sự hoàn hảo
  3. Hãy vun trồng nghị lực vượt khó, để không phải sống cảm giác tê liệt và bất lực
  4. Hãy vun trồng lòng biết ơn và niềm vui, để không còn phải sợ thiếu thốn
  5. Hãy mở lòng cho chiều kích siêu việt, để biết phó dâng và không đòi hỏi sự chắc chắn tuyệt đối
  6. Hãy vun trồng tính sáng tạo, để loại dần tính so sánh hơn thua
  7. Hãy để tâm đến giải trí và nghỉ ngơi, để không phải rơi vào trạng thái kiệt sức vì cứ phải chạy theo hiệu năng và thành tích
  8. Hãy mang tình yêu, lý tưởng, nhiệt huyết và sức sống vào ngày thường, để xua tan những nghi ngờ, thờ ơ và thái độ sống tà tà, nửa vời
  9. Hãy vun trồng lòng biết ơn, thể hiện nơi sự đơn sơ của tiếng cười, điệu múa, bài ca; để không phải gồng mình lên, tỏ vẻ “ta đây” là người đàng hoàng, làm chủ được tình huống!
  10. Hãy nuôi dưỡng đời sống cô tịch và bình an nội tại, để không còn phải muộn phiền, xôn xao, bất an vì lo âu thái quá.

Gửi đến bạn như một món quà – như một duyên lành mà tôi may mắn có được.

20160222_144142-1

 

Posted in Uncategorized | Comments Off on DUYÊN LÀNH TỪ NHỮNG NGƯỜI CẦN MẪN GIEO DUYÊN (tt)

DUYÊN LÀNH TỪ NHỮNG NGƯỜI CẦN MẪN GIEO DUYÊN

Chủ nhật đẹp, nắng và gió dịu dàng.

Đường phố và con người Sài Gòn còn ngái ngủ. Những mệt mỏi sau một tuần làm việc và học tập thường được nhiều người chúng ta “bù đắp” bằng cái trở mình, rồi nán lại ít lâu trên chiếc giường có vẻ ấm hơn êm hơn mỗi ngày.

Nhưng có gần 100 người “bất thường” từ sớm đã có mặt tại Tu đoàn Nazareth, Thủ Đức để tham dự Chương trình “HÃY LÀM CHO LỬA BÙNG LÊN” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Tú, Tiến sĩ Trì Thị Minh Thúy – giảng viên và các bạn sinh viên (văn bằng 2, chính quy) Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp. HCM tổ chức.

Thông tin và hình ảnh hoạt động của chương trình này chúng ta có thể tìm thấy trên FB Tâm lý phục vụ trong thời gian tới. Trong bài viết của mình, tôi chỉ muốn nói đến duyên lành từ những người cần mẫn gieo duyên.

Đối với sinh viên ngành Tâm lý học (và cả một số Khoa khác), cái tên Nguyễn Thị Thanh Tú khá quen thuộc với hình ảnh và các bài giảng, buổi nói chuyện truyền cảm hứng, lưu lại nhiều kiến thức bổ ích về cuộc đời, về chuyện nghề – chuyên môn phức tạp, “khó nhằn” Tham vấn – Trị liệu tâm lý.

Dù được đảm bảo bởi “thương hiệu hot” – cặp bài trùng đối lập TÚ & THÚY, nhưng để tổ chức một chương trình chỉn chu cả về nội dung và cách thức với quy mô cả trăm người tham gia vào Chủ nhật là chuyện hoàn toàn không dễ. Bởi sau hoạt động cùng nhau múa hát “Nổi lửa lên xua tan ngại ngần. Nổi lửa lên, xua tan ngăn cách. Nối anh em xa xôi lại gần. Nối anh em yêu thương đầy tràn. Nổi lửa lên nối vòng tay lớn…”, sau bài thuyết trình “Sức Mạnh Của Sự Yếu Đuối” đầy xúc cảm, nhân văn và truyền lửa của cô Tú là phần sinh hoạt nhóm vô cùng quan trọng của 11 nhóm.

Được thực hiện dưới sự dẫn dắt của các nhóm trưởng, bằng việc trao đổi các vấn đề xung quanh “những đổ vỡ, rách nát” của các thành viên trong nhóm (thông qua một số câu hỏi chung) với nguyên tắc 4″C” chuyên nghiệp của ngành tham vấn trị liệu, các bạn sinh viên Tâm lý học đã có một cơ hội tuyệt vời để “học nghề, thực tập nghề (thực tập lâm sàng)”. Nhưng trên hết, giá trị cốt lõi ở đây là các bạn có một dịp được trải lòng mình, được can đảm nhìn nhận “yếu đuối” và chia sẻ trải nghiệm của chính mình và thấu cảm cùng nhau. Qua đó, các bạn xây dựng niềm tin và kết nối cũng như xóa tan những mặc cảm, những khoảng cách để ôm lấy nhau, như muốn kéo dài buổi sinh hoạt ra mãi. Để có thể làm được điều này, các nhóm đã được tạo một không gian đủ rộng và riêng tư, một khung cảnh đủ yên bình an lạc, một không khí gần gũi thân tình thoải mái đủ để tin tưởng và mở lòng.

Sau đó, gần 100 con người đó một lần nữa được ngồi lại với nhau, để chia sẻ những điều quan trọng, để đặt ra câu hỏi thú vị, “có chất” và được giải đáp tường tận sâu sắc hơn nữa về việc xác nhận những yếu đuối của con người, để “đối đãi” và trân trọng như đứa bé trong ta, để chấp nhận (không phán xét) và mang theo nó bên ta như một nguồn động lực và sức mạnh cho sáng tạo, cho đam mê, cho sẻ chia và giúp đỡ, không cần kiệt sức để vượt qua hay trốn chạy… Những tổn thương xé toạc phận đời, xé toạc tâm hồn chúng ta như những mảnh vỡ của chiếc cốc chứa đựng khổ đau ta gắng sức đập cho vỡ vụn, nếu được ghép lại – không phải để tạo lại chiếc cốc chấp vá – hóa ra là một bông hoa cúc xinh đẹp mỉm cười, vẫy chào ta cùng cuộc sống mới…

(còn tiếp)

Posted in diary, skills, thankful | Tagged , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , | Comments Off on DUYÊN LÀNH TỪ NHỮNG NGƯỜI CẦN MẪN GIEO DUYÊN

14/2 độ yêu

(Viết cho những tháng ngày chông chênh vì xa con) 

Bù đắp, nuôi dưỡng yêu thương bằng những tình yêu rộng lớn đối với cuộc sống – những vui buồn, xóm trọ nghèo, tiếng cãi nhau và la mắng con…

 

Con ở đó, đưa tay về phía mẹ

Mắt trong veo, giọng nũng nịu: “Mẹ ơi!”

Một tầm tay, sao lại quá xa xôi

Nên có chiều con ngẩn ngơ ngoài ngõ…

Mẹ ở đây, lặng ngắm bầy trẻ nhỏ

Trong xôn xao tiếng chửi mắng xóm nghèo

“Không học đâu, cái bụng con đói meo”

Gió chiều nào thổi cát bay vào mắt…

Những vòng tay thiếu vắng… nhòa… nắng tắt

Hơi ấm xa không đủ để ấp ôm

Trái tim xa đập những nhịp mỏi mòn

Mẹ nợ con một khoảng trời thơ ấu.

Con ở đó, xin đừng giận mẹ lâu

Vẫn “cho nợ”, vẫn đưa tay về mẹ

Và chấp nhận trái tim mẹ nhỏ bé

Dẫu mong manh nhưng gói trọn yêu thương.

Mẹ ở đây, dấn bước đến cuối đường

Để ôm con như tháng ngày thơ bé

Tặng lại con thời thanh xuân tuổi trẻ

Trao lại con những cháy bỏng khát khao…

Phố đời vẫn cứ xôn xao

Mẹ – con – mình vẫn ngọt ngào cùng đi

Phố người hãy hát lên đi

Mẹ – con – mình cứ thầm thì… nhớ mong!

Posted in diary, poet | Tagged , , , , , , , | Comments Off on 14/2 độ yêu

HỌ ĐÃ SỐNG (phần cuối)

MỘT CUỘC ĐỜI NHƯ THẾ.

PHẦN BA

“Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”

Cuối năm 2014, khi một đoạn clip mộc, thô như chính cái “đầu vẫn rối bù xù” xuất hiện trên youtube, thị trường nhạc Việt Nam được một phen bổ nhào “lùng sục” món ăn dân dã mà lạ miệng ấy. Vẻ đương đại, pha chút hoang dại, xù xì toát lên từ một cô gái trẻ, từ âm nhạc và ca từ của cô ấy. Tiên Tiên – “phiên bản đầu tiên” cùng “Vì Tôi Còn Sống” lại viết nên một câu chuyện. Không quá đơn giản, êm đềm như chặng đường đã qua; cũng không quá ồn ào, hào nhoáng như hiện tại. Nhưng cái kiểu thừa nhận mình “dại khờ, ngu si”, mình “bù xù, ú nu, ú ù…” nhẹ tênh đó; cái kiểu “tuyên ngôn” cứ thế này vì thế này, cứ thế kia vì thế kia… “tưng tửng” đó đã làm nên “thương hiệu” Tiên Tiên, theo tôi là cá tính – bản năng – hồn hậu.

Thổi ngang qua đời một làn gió lạ. Thở ngang qua đời một nhịp trẻ trung. Vẫy ngang qua đời một bàn tay xinh… Không quá vội vàng, không quá gấp gáp. Đơn giản để mình là… chính mình, để mình vượt qua nỗi sợ bị phán xét, vượt qua những hoài nghi.

Cuộc đời là những “chuyến đi” – ngao du, tìm tòi… chính mình và thế giới.

Cuộc đời là những phép thử. Cứ thử đi để không hoài phí món quà “CÒN SỐNG”. Miễn đó là cuộc đời của mình, hạnh phúc của mình và mình dũng cảm đón nhận kết quả sai của phép thử.

Thử – Một món ăn lạ. Một môn thể thao khó, chưa từng chơi. Một vùng đất mới. Một ước mơ có thể “điên rồ” với người khác hoặc “không tưởng” với bạn. Và một người bạn chẳng dám… yêu (chẳng hạn).

“Vì tôi còn sống” – đã là một món quà vô giá.

“Vì tôi còn sống” – nên không có nghĩa sẽ bất chấp, mà là chấp nhận: chấp nhận thử thách, chấp nhận vấp ngã, chấp nhận những điều không hoàn hảo (“món quà của sự không hoàn hảo”)… tự nhiên như hơi thở chính mình.

“Vì tôi còn sống” – nên cứ vui, cứ hát, cứ viết lên những điều chân thật một cách an nhiên, bao dung.

Đời và người cũng sẽ dang tay ra đối với ta như thế. TỰ NHIÊN SỐNG!

“Bình tĩnh sống!”

Tháng 01/2016 vừa qua, một lần nữa âm nhạc lại mang đến những câu chuyện đời.

Câu chuyện đời của người phụ nữ 59 khắc khổ, sống “riêng một góc trời” nơi núi đồi hiu quạnh, với việc chữa bệnh cứu người thầm lặng, với chuỗi ngày cơ cực đeo đẳng suốt mấy mươi năm; vẫn giữ đó một tâm hồn nghệ sĩ, vẫn giữ đó một tấm lòng đối nhân, vẫn giữ đó một nếp sống thanh sạch.

Ai than trời, ai kêu khổ, ai đổ lỗi, ai oán hờn… Người phụ nữ ấy vẫn BÌNH TĨNH SỐNG!

Nguyễn Thanh Thúy chứng minh điều đó bằng chính việc mình làm, bằng cách mình sống, bằng lòng biết ơn chân thành: “Cảm ơn cuộc đời đã mài dũa chúng tôi”.

Cô động viên những mảnh đời, thân phận nhỏ nhoi lẫn an ủi những “tâm hồn lớn” – KHÔNG SAO ĐÂU!

Thiếu cơm ăn, nước uống; phụ dọn hàng rau để chỉ xin những rau củ héo – không sao đâu.

Cứu người không lấy tiền, có khi bị phủi ơn – không sao đâu.

Không điện, không xe; tự vác gạo vác nước lên núi – không sao đâu.

Những lúc đau ốm, nạn tai chỉ có hai chị em thui thủi – không sao đâu.

Ừ thì có sao đâu, bởi cô có “riêng một góc trời” với một trái tim đủ lớn, đủ nồng ấm, đủ mạnh mẽ và một tâm hồn đủ nhẹ nhàng, thư thái vì buông bỏ.

MẪU SỐ CHUNG

Họ – người Âu, người Á. Họ – nam phụ lão ấu. Họ – hiện đại năng động, “quê mùa” ẩn dật. Họ – khác văn hóa, khác ngôn ngữ. Họ – chưa từng gặp nhau.

Nhưng, họ –

… được trui rèn trong khó khăn, đau khổ

… kiên trì vượt qua thử thách: B.A.M với những tháng ngày đen tối ở học đường, Chris dành 34 năm cho đam mê ca hát dù chỉ cho chính mình và bà, Tiên Tiên với quãng thời gian trầm cảm và theo đuổi việc học nhạc ở thành phố HCM và chứng minh với ba mẹ, cô Thanh Thúy dành cả tuổi thanh xuân và cuộc đời hiện tại để giúp đỡ người khác trong khi mình chỉ sống một cuộc đời quá sơ bạc.

… giữ vững niềm tin (hoặc được truyền niềm tin, được trao yêu thương) về bản thân, về con người và về cuộc sống.

… trân trọng cuộc đời, trân trọng người khác, biết nói lời cảm ơn.

… khiêm nhường và rất thật.

Âm nhạc là món quà cuộc sống trao tặng họ. Họ lại chính là món quà trao tặng cảm hứng cho mọi người.

Họ đến với cuộc đời như những ngọn cỏ – nhỏ nhoi, yếu mềm, không thân phận; như một câu hỏi ngác ngơ.

Họ đến với cuộc đời quăng quật với giông gió để chứng minh rằng chỉ cần giữ niềm tin vào đất, kiên trì bám rễ, cỏ vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu.

Họ thành công theo cách họ muốn – trở thành những viên ngọc thô sơ nhưng tỏa sáng.

Họ viết tiếp những trang đời đáng sống.

Họ vẽ tiếp những nụ cười.

Họ trao tiếp những niềm vui.

Họ thổi bùng lửa hi vọng.

Vì tôi còn bé thơ – tôi hãy cứ hồn nhiên (rồi tôi sẽ bình yên).

Vì tôi là thanh niên – tôi hãy cho mình khám phá và sống thật là mình.

Vì tôi đã trưởng thành – tôi cho phép mình cháy bỏng khát khao và mạnh mẽ.

Vì tôi sẽ bước sang “tuổi hạc” – tôi trân trọng mọi điều, tĩnh tâm và cống hiến nhiều hơn.

Còn bây giờ, tôi sẽ mặc áo nhiều màu hơn, thay vì chỉ xanh và đen như trước đó, tôi sẽ không lo lắng sao mình có nhiều mụn, hay da không trắng thì làm sao mặc áo hồng áo cam…

Còn bây giờ, tôi sẽ là “nàng… ảnh” đẹp nhất của cô bạn mình – vì tôi sẽ không còn quá mặc cảm khi tiền lương mình không bằng bạn ấy và bởi vì tôi là chính tôi, thật sự thoải mái bên bạn thân của mình.

Còn bây giờ, tôi sẽ viết – không chỉ để 2-3 người bạn thân đọc mà để nhiều người đọc, vượt lên nỗi sợ của mình, hướng đến TÔI PHÍA TRƯỚC – MỘT PHIÊN BẢN TỐT ĐẸP HƠN!

Posted in music, practice, skills, Writing | Tagged , , , , , , , , , | Comments Off on HỌ ĐÃ SỐNG (phần cuối)

HỌ ĐÃ SỐNG (tt)

MỘT CUỘC ĐỜI NHƯ THẾ.

PHẦN HAI

“Just be hopeful!”

Không biết “vì các em lạc quan”, hay âm nhạc là món quà kỳ diệu mà cuộc đời trao tặng cho những ai bất hạnh, nên Charlie Lenehan và Leondre Devries là số ít trong các nạn nhân của vấn nạn bạo lực học đường, có thể trở lại cuộc sống vui vẻ sau những sang chấn tâm lý. Không những thế, các em đã trở thành “hiện tượng” đầy tài năng của Britain’s Got Talents năm 2014.

Không phô trương ầm ĩ, không hô hào khẩu hiệu, Bars & Melody bày tỏ quan điểm của mình bằng ngôn từ trẻ thơ nhưng vô cùng lôi cuốn và hấp dẫn bởi những “giai điệu” tươi trẻ, rộn ràng đương đại như chính tên “ban nhạc” của mình, bởi chính câu chuyện rất thật những năm tháng khủng hoảng vì bị bắt nạt ở trường, bởi chính… các em tự viết chứ không nhờ ai chấp bút (dựa cơ bản trên bài “HOPE” của Twista và Faith Evans).

Cuộc sống có những mất mát (rời khỏi ngôi nhà yêu thương, cha mẹ chia tay), có những nỗi đau (bị chế giễu, miệt thị, thậm chí là đánh đập), có những nỗi cô đơn (không thể chia sẻ với ai, chỉ thổ lộ bằng chính lời hát), có những nỗi sợ hãi (những hỗn độn rắc rối, những điều tệ hại và căng thẳng)… Và chúng ta không ít lần kêu lên: “Please help me god.” Người lớn còn thế. Những đứa trẻ 13 – 15 tuổi biết làm sao? “I’m just a kid, how can I take it on my own? I’ve cried so many tears writing this song.”

Trái tim của các bậc cha mẹ rung lên. Trái tim xã hội rung lên…

Ấy vậy mà những gương mặt bé thơ kia, lấp lánh ánh mắt, tươi tắn nụ cười không những tự nhủ với bản thân, còn xoa dịu chúng ta, trấn an chúng ta, thậm chí còn thắp lên cho chúng ta hi vọng, nắm lấy tay chúng ta lắc lư cùng cuộc sống, khiêu vũ với cuộc đời… khi cứ nhắc đi nhắc lại rằng:

“Cuz I’m hopeful, yes I am, hopeful for today,
Take this music and use it
Let it take you away, and be hopeful
and he’ll make a way
I know it ain’t easy but that’s okay.
Just be hopeful.”

Đúng vậy, CHỈ CẦN LẠC QUAN, CHỈ CẦN TRÀN ĐẦY HI VỌNG, cuộc sống rồi sẽ ổn thôi mà. Rất ổn. Hi vọng cho chúng ta đôi cánh, bay lên cao để nhìn toàn cảnh, để thấy cuộc đời vẫn rất đẹp, tình người vẫn rất mến thương. Có gia đình, có khán giả với những giọt nước mắt, có vị giám khảo khó tính bấm “Chuông vàng”… – bởi chúng ta xứng đáng!

 

Posted in skills, thankful, Writing | Tagged , , , , , , , , , , , | Comments Off on HỌ ĐÃ SỐNG (tt)

HỌ ĐÃ SỐNG

MỘT CUỘC ĐỜI NHƯ THẾ.

Họ là người nước ngoài (Anh), họ là người Việt Nam. Họ là thiếu niên, hoặc đã trưởng thành, hoặc tuổi đời xế bóng. Họ cao lớn, họ gầy gò. Họ trẻ trung, họ khắc khổ… Nhưng họ giống nhau: sống những tháng ngày bình lặng, nhỏ nhoi không ai biết đến; hoặc đã trải qua những biến cố trong đời… trước khi vụt sáng và được giới truyền thông đồng lòng ngợi ca bằng ngôn từ “giật tít” hiện đại – GÂY BÃO, LÀM DẬY SÓNG… (Về bản chất sự việc thì có thể đúng, nhưng lại có vẻ “lạc lõng” vì không phù hợp với họ – không hồn nhiên, gần gũi hoặc giản dị như chính các nhân vật và câu chuyện của họ, đã trở thành nguồn cảm hứng và cổ vũ hàng triệu người).

PHẦN MỘT

Hãy cứ “là mặt trời, gieo hạt nắng”… tin yêu!

“Only surround yourself with people who will lift you higher.” — Oprah Winfrey

“If you want to lift yourself up, lift up someone else.” –- Booker T. Washington

SỨC MẠNH LỜI NÓI – Hoặc ươm mầm, tưới tắm nuôi dưỡng tài năng. Hoặc giết chết một cuộc đời trong tự ti và tuyệt vọng (vì không dám bước đến để chạm vào ước mơ).

Năm 2012, một con người đã được sống lại sau rất nhiều năm bị “chôn vùi” bởi những lời đánh giá tiêu cực của những người xung quanh – một chàng trai ngoại quốc 34 tuổi cao to, mắt xanh biếc run rẩy, lắp bắp và không có được chút hi vọng nào từ người đối diện. Chỉ sau gần cả phút im lặng đến nghẹt thở, chàng trai ấy mới bước qua lằn ranh giới hạn bản thân, tiến dần đến ánh sáng cuộc đời mình với “Some say love…” làm giật mình ngẩn ngơ một người đầy quyền lực mà trước đó 2 giây còn thở dài, cúi mặt, sẵn sàng… đánh rớt. Và từ đó, chúng ta biết đến một Christopher Maloney của X-Factor phiên bản Anh. Anh được xem là nguồn cảm hứng điển hình cho “đừng bao giờ từ bỏ đam mê của bạn”.

Điều tôi muốn nói ở đây là “The Rose” ngọt ngào đằng sau câu chuyện của Christopher – bà Milan, người bà đáng kính của anh – người duy nhất tin tưởng anh, động viên anh thực hiện khát khao cháy bỏng của mình. Điều đó còn da diết hơn, còn mãnh liệt hơn cả tiếng hát của Christopher khi những nốt nhạc tâm tư bay vút lên cao – chạm đến ước mơ tưởng chừng không thể của mình, chạm đến trái tim của không chỉ 5.000 người được nghe thấy trực tiếp mà còn triệu triệu người trên thế giới.

“Some say love it is a river 
That drowns the tender reed 
Some say love it is a razor 
That leaves your soul to bleed…” 

Còn tôi nói “miệng đời” mới chính là “dòng sông nhấn chìm đám sậy hoang mềm yếu” và là “con dao làm rỉ máu tâm hồn” yếu đuối, dễ tổn thương của Chris. Ngoài tình yêu đầy khát khao với việc ca hát, chỉ có người bà 76 tuổi là “tình yêu” đích thực của anh – người duy nhất ở bên cạnh anh “when the night has been too lonely, and the road has been too long”, người duy nhất ở sau cánh gà với trái tim thổn thức và gần như ngừng đập dõi theo đứa cháu tội nghiệp của mình. Và bà – “it’s only seed” gieo vào lòng Chris yêu thương, gieo vào lòng Chris niềm tin:

“Just remember in the winter
Far beneath the bitter snow
Lies the seed that with the sun’s love
In the spring becomes the rose.”

Vậy thì Chris ơi, mạnh mẽ lên nào trước những đắng cay, giá lạnh đầy thử thách của cuộc đời. Tình yêu, thành công không phải là những đóa hồng chỉ dành riêng cho những người may mắn; mà “Nanny” dù lặng thầm, sâu thẳm với trái tim ấm áp của mình sẽ là một đóa hồng, và tặng anh đôi cánh – bay lên thành công – tự tin và kiêu hãnh.

Xin cảm ơn “The Rose” Milan!

(còn tiếp)

Posted in music, practice, thankful, Writing | Tagged , , , , , , , , , , , , , | Comments Off on HỌ ĐÃ SỐNG

Không ngừng tìm kiếm?

P40B-young-pupil-in-library-with-books-800x478

(nguồn ảnh: Internet)

Hay nên ngừng tìm kiếm… ĐAM MÊ?

ĐAM MÊ – một mỹ từ có tính “mê hoặc”, cuốn hút với những ai yêu thích khám phá bản thân, thích chiêm nghiệm về con đường sự nghiệp và hướng tới thành công – thành đạt của một đời người.

Có hẳn THUYẾT ĐAM MÊ và các tín đồ. Và tôi là một trong số đó. Tôi muốn sống một cuộc đời như tôi thích, tôi muốn làm việc với những đam mê của mình, tôi khát khao đỉnh cao thành công trên những điều làm tôi say sưa, tôi hoài niệm những tháng ngày “vang bóng” đến với sở làm tràn đầy hứng khởi. Tôi trăn trở tìm và khẳng định đam mê của mình. Tôi vật vã tìm những công việc làm tôi hạnh phúc…

Sau bao nhiêu năm gắn với thăng trầm cuộc đời mình, tôi nhận ra: hãy cứ bắt đầu, hãy cứ tận tâm, hãy cứ kiên trì và hăng say rèn luyện, khẳng định mình, xây dựng thương hiệu và “nâng tầm” đẳng cấp… Cứ như thế,  rồi đam mê sẽ đến – đồng hành. Hoặc chí ít trong lúc “chờ” đam mê xuất hiện – nói đúng hơn chúng ta có thể thực hiện được đam mê của mình (nếu đó là một lĩnh vực hoàn toàn khác: ví dụ như bạn đam mê ca hát nhưng không dự định kiếm tiền từ việc này, ví dụ như tôi đam mê kịch nói, thỉnh thoảng đắm mình và viết đôi dòng vu vơ nhưng chưa dự định mình sẽ sống hơn 2/3 thời gian cuộc đời với kịch bản và sân khấu hay nghệ sĩ và “được đam mê nuôi sống”), chúng ta vẫn đảm bảo được cuộc sống của mình. Tôi chọn mình sống để “nuôi đam mê”.

Không thể chối cãi rằng sẽ thật hạnh phúc khi được sống và “sống được” với đam mê, sẽ thật lý tưởng nếu có thể gắn đam mê với cuộc mưu sinh hiện thực. Tuy nhiên, nếu không được như vậy cũng chẳng sao. Tin vui cho tất cả chúng ta là không cần phải vật vã tìm kiếm hay cố đạt được những điều lý tưởng đó mà có thể cả đời chúng ta không hạnh phúc được vì… vô vọng. Có một con đường thực tế hơn, khả thi hơn và… khoa học hơn (được chứng minh qua nhiều cuộc khảo sát) và được viết thành sách, gióng lên một hồi chuông rộn rã vui mừng rằng hãy cứ “tối đa hóa năng lực bản thân”, “hãy giỏi đến mức không ai có thể phớt lờ bạn” (Steve Martin), chúng ta sẽ có được điều mình muốn, điều mình thích – trong đó có ĐAM MÊ.

Hiện tại, với công việc chính (“nồi cơm, ơ cá” của tôi) là một biên phiên dịch, tôi vẫn luôn rèn luyện ngoại ngữ mỗi ngày; với đam mê đọc sách và viết vu vơ đôi điều cảm nhận (“những bông hoa tươi tắn” giúp cho cuộc sống tôi thi vị và bớt căng thẳng), tôi đọc sách ít nhất 15 – 20 trang mỗi ngày, và viết bất cứ điều gì có thể – dù hay hay dở…

Cách viết khác nhau, bố cục khác nhau nhưng có điểm tương đồng kỳ lạ giữa hai quyển sách KỸ NĂNG ĐI TRƯỚC ĐAM MÊ của tác giả Cal Newport (do Trần Đăng KhoaUông Xuân Vy dịch, TGM Books xuất bản) và TỐI ĐA HÓA NĂNG LỰC BẢN THÂN” của tác giả Jocelyn K.GLEI (do Cao Minh dịch, Công ty Cổ phần sách Alpha xuất bản) – đó là khẳng định TẦM QUAN TRỌNG CỦA NĂNG LỰC.

Cal Newport viết “Kỹ Năng Đi Trước Đam Mê” như thể một bản tuyên ngôn. Ông cung cấp cho chúng ta bốn quy tắc để “không những đạt được những kỹ năng hữu ích mà còn tiến vào nghệ thuật đầu tư vốn liếng sự nghiệp tinh tế”:

  1. Đừng theo đuổi đam mê
  2. Hãy trở nên giỏi đến mức họ không thể phớt lờ bạn
  3. Từ chối cơ hội thăng tiến
  4. Nghĩ nhỏ, làm lớn

Sao có thể như thế được, nghe lạ lùng quá. Bạn đang hoài nghi? Càng tốt. Bạn hãy đọc đi, để thích thú khám phá “chuyển sự tập trung từ tìm đúng việc thành làm việc đúng, để rồi cuối cùng, lần đầu tiên trong cuộc đời, có được cảm giác yêu thích công việc mình làm. Đây chính là niềm hạnh phúc mà bạn cũng nên có được.” Nó sẽ giải phóng bạn khỏi nỗi ám ảnh “ngày thứ hai” mỗi tuần và ngày đầu tiên trở lại công việc sau một kỳ nghỉ dài.

Và bạn sẽ được Jocelyn K.GLEI củng cố niềm tin qua các câu chuyện – những minh chứng sống động (99U) cho việc càng trui rèn kỹ năng, nâng cao năng lực thì cánh cửa đến với sự nghiệp thành công và một cuộc đời ý nghĩa (theo cách bạn muốn) càng đến gần và rộng mở. “Tối Đa Hóa Năng Lực Bản Thân” mang đến cho chúng ta những bí quyết ở bốn khía cạnh:

  1. Nắm bắt và tạo ra những cơ hội mới
  2. Tích lũy kinh nghiệm theo thời gian
  3. Tạo dựng quan hệ hợp tác
  4. Học cách đương đầu với rủi ro.

Và tôi rất thích khái niệm: “Mỗi người chính là một doanh nhân – hãy luôn giữ cho mình tinh thần nhà khởi nghiệp” và “trở thành nhà lãnh đạo sự nghiệp của bản thân”.

Quả là một món quà ý nghĩa cho những ai “không hài lòng với bản thân và nỗ lực không ngừng”.

Chúc bạn và tôi có một cuộc đời (cũng chính là sự nghiệp hoặc đã bao gồm sự nghiệp) mà mình tâm đắc.

Posted in Books, practice, skills | Tagged , , , , , , , , , , , , , | Leave a comment